Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản theo Điều 180 Bộ luật Hình sự

06/11/2024
Hình Sự


1. Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là gì?

Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là khi một người không cố ý nhưng do bất cẩn hoặc không cẩn thận đã gây hư hỏng lớn hoặc mất mát tài sản của người khác.

Ví dụ: Chị B đang nấu bữa trưa thì nhận ra thiếu nguyên liệu nên đã phóng xe đi chợ. Tuy nhiên, chị B đã quên tắt bếp trước khi đi dẫn đến cháy nhà và cháy lan sang nhà hàng xóm, khiến cho cả nhà chị B và người hàng xóm cháy rụi. Hành vi này được xem là vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người khác. 

 

2. Khung hình phạt tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng

Lấy ví dụ trên, chị B có thể sẽ bị truy cứu về Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng theo Điều 180 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự) như sau:

“Điều 180. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản

1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Điều luật này được mô tả thành 02 khung hình phạt chính theo bảng sau: 

KhungMức phạtHành vi
Khung 1phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.Vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng
Khung 2phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.Vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên. 

 

Như vậy, dù không cố ý, hành vi gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 500 triệu đồng trở lên có thể phải chịu án phạt tù tối đa lên đến 02 năm tù giam.

3. Dấu hiệu pháp lý tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản

Sau đây là những dấu hiệu cơ bản giúp nhận diện hành vi phạm tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản mà bạn đọc có thể tham khảo. 

3.1. Khách thể

Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xâm phạm quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân.

Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản bao gồm vật, tiền.

3.2. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản thể hiện qua các hành vi như: làm mất, làm hư hỏng tài sản,… của người khác. Các hành vi này thường xảy ra do không tuân thủ hoặc tuân thủ không đúng, không đầy đủ những quy định của pháp luật hoặc các quy tắc sinh hoạt xã hội thông thường liên quan đến việc bảo vệ tài sản.

Thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là cho tài sản của người khác có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm hành vi gây thiệt hại thực tế cho tài sản của người khác có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

3.3. Chủ thể

Người phạm tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản có thể là bất kỳ ai, từ đủ 16 tuổi trở lên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự. 

3.4. Mặt chủ quan

Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản được thực hiện do lỗi vô ý (vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả), cụ thể:

  • Lỗi vô ý do quá tự tin, người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người khác nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. 
  • Lỗi vô ý do cẩu thả, người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại cho tài sản của người khác, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

4. Bồi thường tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản

Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì người nào do lỗi vô ý gây thiệt hại đến tài sản của người khác thì phải bồi thường, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác. Đây là trường hợp liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Mức bồi thường đối với tài sản bị thiệt có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên được quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: 

“Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;

4. Thiệt hại khác do luật quy định.”

Chẳng hạn, nếu một người vô ý làm rơi đồ vật nặng từ trên cao, khiến xe ô tô đậu dưới bị hư hỏng, người đó phải bồi thường chi phí sửa chữa xe và có thể phải bồi thường thêm nếu chủ xe mất đi các cơ hội sử dụng xe để làm việc hoặc kinh doanh.

Mức bồi thường thiệt hại sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và thiệt hại thực tế mà người phạm tội đã gây ra cho tài sản của người khác.

5. Thủ tục khởi tố Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản

Căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sựquy trình khởi tố tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người khác được thực hiện thông qua ba bước sau đây: 

Bước 1: Tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Cơ quan điều tra có thể Tiếp nhận thông tin từ các nguồn như tố giác cá nhân, tin báo từ cơ quan, tổ chức, cá nhân, tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng, và kiến nghị khởi tố từ cơ quan nhà nước.

Mọi thông tin phải được tiếp nhận đầy đủ và giải quyết kịp thời.

Bước 2: Kiểm tra, xác minh các tin tức về tội phạm

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác định dấu hiệu tội phạm từ các thông tin tiếp nhận. Thời hạn giải quyết thông tin là 20 ngày, có thể kéo dài tối đa 2 tháng đối với các trường hợp phức tạp.

Bước 3: Ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự

Sau khi đã tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm đã xác định có dấu hiệu của tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền khởi tố trong phạm vi trách nhiệm của mình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Nếu không có căn cứ, có thể quyết định không khởi tố hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án.

6. Thời hiệu truy cứu tội Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản

Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản có mức phạt tù tối đa lên đến 02 năm tù giam, vì vậy theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự, đây là tội phạm ít nghiêm trọng (mức phạt tối đa không quá 03 năm tù giam). 

Theo đó, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này sẽ được xác định theo Điều 27 Bộ luật Hình sự như sau:

“Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.”

Như vậy, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là 05 năm tính từ ngày hành vi gây thiệt hại xảy ra. 

7. Luật sư tư vấn Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản

Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, giỏi, nhiệt huyết và tận tâm, Công ty Luật sư Mận và Cộng sự tự hào là đơn vị hàng đầu tư vấn và giải quyết các vấn đề hình sự bao gồm các dịch vụ sau:

  • Đánh giá các vấn đề pháp lý liên quan đến hình sự;
  • Tư vấn thu thập và chuẩn bị chứng cứ;
  • Soạn thảo hồ sơ khởi kiện trong trường hợp khởi kiện;
  • Luật sư bảo vệ tại tòa án.
Chia sẻ

Bài viết liên quan