Tàng trữ và vận chuyển hàng cấm như ma túy, vũ khí, pháo nổ,… có thể gây ra những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Chính vì vậy, pháp luật quy định những mức phạt cực kỳ nghiêm khắc dành cho những hành vi phạm tội này.
Tàng trữ hàng cấm là hành vi lưu giữ, cất giấu các loại hàng hóa mà pháp luật cấm sở hữu, sản xuất hoặc buôn bán. Hành vi này xảy ra khi một người hoặc tổ chức biết rõ hàng hóa đó là hàng cấm nhưng vẫn cố tình giữ chúng để bán.
Vận chuyển hàng cấm là hành vi mang hoặc di chuyển các loại hàng hóa bị cấm từ nơi này sang nơi khác, có thể bằng nhiều phương tiện như xe máy, ô tô, tàu thuyền hoặc thậm chí bằng tay. Cũng tương tự như tàng trữ, người vận chuyển biết rõ ràng hàng hóa đó bị cấm nhưng vẫn thực hiện hành vi vận chuyển.
Cả hai hành vi này đều vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hình sự với mức phạt thích đáng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự).
Xem thêm: Hàng cấm là gì? Danh mục hàng cấm xuất kinh doanh năm 2024
Hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm sẽ bị truy cứu hình sự về Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo Điều 191 Bộ luật Hình sự như sau:
“Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
Để bạn đọc dễ hình dung hơn, chúng tôi tóm gọn điều luật này lại thành bảng sau:
* Đối với cá nhân phạm tội
Khung | Mức phạt | Hành vi |
Khung 1 | Phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. | Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau: a) Thuốc bảo vệ thực vật bị Nhà nước cấm từ 50kg đến dưới 100kg hoặc từ 50l đến dưới 100l b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao; c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kg; d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm trị giá từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng; đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng; e) Hàng hóa dưới các mức trên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. |
Khung 2 | Phạt tiền từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. | Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: a) Có tổ chức;b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; d) Có tính chất chuyên nghiệp; đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100kg đến dưới 300k hoặc từ 100l đến dưới 300l; e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao; g) Pháo nổ từ 40kg đến dưới 120kg; h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm trị giá từ 300 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300 triệu đến dưới 700 triệu đồng; k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu; l) Tái phạm nguy hiểm. |
Khung 3 | Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. | Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kg trở lên hoặc 300l trở lên; b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên; c) Pháo nổ 120kg trở lên; d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700 triệu đồng trở lên. |
Hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
*Đối với pháp nhân phạm tội
Mức phạt | Hành vi |
Mức 1: Phạt tiền từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng. | Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau: a) Thuốc bảo vệ thực vật bị Nhà nước cấm từ 50kg đến dưới 100kg hoặc từ 50l đến dưới 100l b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao; c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kg; d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm trị giá từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng; đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng; e) Hàng hóa dưới các mức trên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. |
Mức 2: Phạt tiền từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng. | Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: a) Có tổ chức;d) Có tính chất chuyên nghiệp; đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100kg đến dưới 300k hoặc từ 100l đến dưới 300l; e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao; g) Pháo nổ từ 40kg đến dưới 120kg; h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm trị giá từ 300 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300 triệu đến dưới 700 triệu đồng; k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu; l) Tái phạm nguy hiểm. |
Mức 3: Phạt tiền từ 3 tỷ đến 5 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. | Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kg trở lên hoặc 300l trở lên; b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên; c) Pháo nổ 120kg trở lên; d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700 triệu đồng trở lên. |
Mức 4: Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn | Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Thành lập pháp nhân thương mại (doanh nghiệp, tổ chức kinh tế) chỉ để tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. |
Hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Như vậy, người phạm tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có thể bị phạt tiền tối đa lên đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 10 năm. Trong khi đó, mức phạt tiền tối đa đối với pháp nhân là 5 tỷ đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Sau đây là 04 dấu hiệu cơ bản nhất giúp nhận diện Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo Điều 191 Bộ luật Hình sự:
Người phạm tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có thể là bất kỳ ai, từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm sự và đã thực hiện hành vi tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép hàng cấm trên lãnh thổ Việt Nam.
Tội phạm tàng trữ, vận chuyển hàng cấm đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, sự an toàn và hợp pháp trong lưu thông hàng hóa. Việc tàng trữ và vận chuyển hàng cấm trực tiếp vi phạm các quy định cấm buôn bán và tiêu thụ các loại hàng hóa nguy hiểm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến xã hội (như ma túy, vũ khí, vật liệu nổ…).
Mặt khách quan của tội này được thể hiện qua hành vi tàng trữ hàng cấm và hành vi vận chuyển hàng cấm, trong đó:
Nếu chỉ thực hiện hành vi tàng trữ mà không tham gia vào quá trình vận chuyển, người phạm tội chỉ bị xem xét về tội tàng trữ hàng cấm. Ngược lại, nếu chỉ thực hiện vận chuyển hàng cấm thì chỉ phạm tội vận chuyển hàng cấm.
Người phạm tội này thực hiện hành vi tàng trữ chất cấm, vận chuyển hàng cấm với lỗi cố ý. Tức là người phạm tội biết rõ hành vi của mình là tàng trữ hoặc vận chuyển hàng cấm và hàng hóa đó thuộc loại cấm nhưng vẫn cố ý thực hiện. Họ có thể mong muốn đạt được lợi ích tài chính hoặc vì những lý do khác, nhưng nhận thức được rõ hành vi là trái pháp luật.
Khi phát hiện người khác có hành vi tàng trữ hoặc đang vận chuyển hàng cấm, bạn cần tố giác ngay đến cơ quan công an hoặc Viện kiểm sát nơi gần nhất để trình báo sự việc theo quy định tại Khoản 3 Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015:
“Điều 145. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.”
Bạn cũng có thể liên hệ các cơ quan công an qua đường dây nóng sau để trình báo sự việc:
Dựa theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, quy trình khởi tố Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm được thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tin báo, tố giác
Cơ quan điều tra (cơ quan công an) tiếp nhận thông tin từ các nguồn như tố giác cá nhân, tin báo từ cơ quan, tổ chức, cá nhân, tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng, và kiến nghị khởi tố từ cơ quan nhà nước về hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
Mọi thông tin phải được tiếp nhận đầy đủ và giải quyết kịp thời.
Bước 2: Kiểm tra, xác minh các tin tức về tội phạm
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác định dấu hiệu tội phạm từ các thông tin tiếp nhận. Thời hạn giải quyết thông tin là 20 ngày, có thể kéo dài tối đa 2 tháng đối với các trường hợp phức tạp.
Bước 3: Ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự
Sau khi đã tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm đã xác định có dấu hiệu của tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền khởi tố trong phạm vi trách nhiệm của mình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Nếu không có căn cứ, có thể quyết định không khởi tố hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự về Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.