Hiện nay việc sản xuất hàng giả về công dụng của sản phẩm khá phổ biến. Nạn hàng giả, hàng nhái là chủ đề “cũ”, quen thuộc, là vấn đề vẫn gây “nhức nhối” đối với cơ quan quản lý nhà nước.
HÀNG GIẢ VÀ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ.
Hàng giả có thể khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính phải “điêu đứng”, bị thiệt hại nghiêm trọng, có doanh nghiệp phải “kêu cứu” bởi hàng loạt sản phẩm giả thương hiệu của hãng được bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử khiến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Đồng thời, hàng giả cũng tác động xấu đến quyền lợi, thậm chí là sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung bởi điểm a, b khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) thì tổ chức, cá nhân sản xuất hàng giả về công dụng nếu thuộc các trường hợp dưới đây sẽ cấu thành tội phạm hình sự và bị xử phạt như sau:
"Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
GIẢI PHÁP BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA DOANH NGHIỆP, NGƯỜI TIÊU DÙNG TRƯỚC VẤN NẠN HÀNG GIẢ, HÀNG NHÁI.
Một là, thời gian tới, cần hoàn thiện quy định pháp luật tập trung một số nội dung sau: (i) Xây dựng khái niệm về hàng giả một cách khái quát, thống nhất để tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật, tránh gây nhầm lẫn; (ii) Hoàn thiện để sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 98/2020/NĐ-CP; bổ sung vào dự thảo nội dung sửa đổi khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP để tránh gây nhầm lẫn với trường hợp quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP; (iii) Hướng dẫn cụ thể, rõ ràng tạo thuận lợi cho việc truy cứu tội về sản xuất, buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... theo các điều 192, 193, 194, 195 về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả; (iv) Hướng dẫn cụ thể về thời điểm xác định hoàn thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả; (v) Xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm thực hiện hiệu quả Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023).
Hai là, đối với cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện một số biện pháp sau: Nâng cao năng lực của lực lượng thực thi pháp luật về phòng, chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sớm vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; tuyên truyền, phổ biến các thông tin về phòng, chống hàng giả (pháp luật, các website vi phạm, cách nhận biết hàng giả...) bằng nhiều hình thức, nhiều phương tiện để tăng cơ hội tiếp cận, nhận thức của doanh nghiệp, người dân; tăng cường hợp tác quốc tế về chống hàng giả, hàng nhái; tăng cường phối hợp, chia sẻ dữ liệu, thông tin với các cơ quan liên quan để kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, đặc biệt là hoạt động thông qua môi trường thương mại điện tử.
Ba là, đối với doanh nghiệp, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hàng giả, hàng nhái, cụ thể như: Đăng ký sở hữu trí tuệ đặc biệt là nhãn hiệu hàng hóa; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm và thông tin đến cơ quan chức năng; sử dụng các biện pháp như tem chống hàng giả, tem xác thực, tem truy xuất nguồn gốc...;.
Bốn là, đối với người dân, cần nâng cao nhận thức về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; nâng cao cảnh giác bằng việc kiểm tra tem, nhãn, mã vạch, truy xuất nguồn gốc; nói “không” với hàng giả, hàng nhái; lựa chọn nơi, kênh mua sắm uy tín; thông tin cho doanh nghiệp, cơ quan chức năng (đặc biệt là Ban chỉ đạo 389 chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm về hàng giả.
Đơn cử trường hợp vi phạm đang được cơ quan nhà nước xử lý:
Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 5 năm tù đối với bị cáo N.Đ.Đ (47 tuổi), thôn Hà Nhai, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Việt Đức về hành vi sản xuất, buôn bán phân bón giả.
Theo cáo trạng, cuối năm 2023, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra các kho sản xuất, chứa hàng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Việt Đức, ở Cụm công nghiệp Quán Lát, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức phát hiện trên 271 tấn phân bón vi lượng giả gồm 2 loại: "Phân bón lúa 1,2" và "Phân bón lúa 3".