CẢNH BÁO THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN QUA MẠNG INTERNET. TỔNG HỢP MỨC PHẠT TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

18/11/2024
TIN TỨC

Bên cạnh những lợi ích rõ ràng thì mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội… cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người dùng, trong đó có vấn đề lừa đảo chiếm đoạt tài sản.  Vì vậy khi gặp các thủ đoạn dưới đây, người dân cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, không làm theo hay cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị lừa mất tiền oan.Lừa đảo là hành vi được thực hiện bằng các thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Hiện nay, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự với 4 khung hình phạt tùy theo mức độ vi phạm.


1. Các hình thức lừa đảo qua mạng:

Các đối tượng giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của bạn đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn; để nhận được tài sản đó phải mất phí, nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp. Khi người dân đóng tiền để nhận thưởng thì chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó.

Giả danh là cán bộ Ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo có người chuyển tiền vào tải khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet Banking của khách hàng bị lỗi... và yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ, mã OTP để kiểm tra. Các đối tượng sử dụng thông tin bị hại cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền.

Giả danh Công an, Tòa án gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà chúng đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Khi người dân lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản được yêu cầu thì các đối tượng chuyển tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác và chiếm đoạt. Nhiều vụ đã xảy ra với số tiền bị chiếm đoạt rất lớn, từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.

Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn lập các trang facebook giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử như Tiki.vn, Lazada, TokyoLive, Shopee… và chạy quảng cáo, khi bị hại nhắn tin hỏi cách thức làm cộng tác viên, các đối tượng sẽ gửi các thông tin về công ty, nhân viên chăm sóc khách hàng... đồng thời, yêu cầu gửi thông tin cá nhân, kết bạn zalo để tư vấn. Ban đầu, đối tượng gửi đường dẫn các sản phẩm có giá trị nhỏ khoảng vài trăm ngàn đồng để bị hại chọn và xác thực đơn, chụp ảnh đơn hàng gửi cho đối tượng qua Zalo, Facebook chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng cung cấp và được đối tượng chuyển lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra mua hàng cùng với hoa hồng từ 3-20%. Sau một số lần tạo niềm tin bằng cách trả gốc và hoa hồng như cam kết ban đầu, đối tượng viện lý do là "bạn đã được công ty nâng hạng", gửi các đường dẫn sản phẩm trên sàn Lazada, Shopee... có giá trị lớn hơn và tiếp tục yêu cầu bị hại chụp lại hình ảnh sản phẩm đồng thời chuyển tiền. Khi đã nhận được, đối tượng không chuyển tiền mà thông báo cho cộng tác viên phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khác thì mới được chuyển lại tiền và hoa hồng (thực chất là tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản đối tượng). Sau đó, các đối tượng chiếm đoạt tiền của bị hại.

Lừa đảo thông qua các sàn giao dịch trên mạng, các đối tượng mời chào, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo… tự thiết lập, cam kết sẽ hưởng lợi nhuận cao khi tham gia hệ thống. Các đối tượng thường quảng bá, đánh bóng tên tuổi bằng cách đăng tin, bài trên mạng xã hội, tổ chức các buổi hội thảo, gặp mặt offline, tự nhận là chuyên gia đầu tư, người truyền cảm hứng, người dẫn đường... để lừa đảo, kêu gọi đầu tư vào hệ thống. Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ can thiệp vào các giao dịch báo lỗi, ngừng hoạt động (sập sàn) để chiếm đoạt tiền của người tham gia.

Thiết lập tài khoản mạo danh, các đối tượng sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của lãnh đạo các cơ quan chính quyền, đoàn thể... để thiết lập tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook...) mạo danh. Sau đó, dùng tài khoản mạo danh để kết bạn, nhắn tin trao đổi vay, mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cấp dưới... và chiếm đoạt tiền của các bị hại chuyển đến. Đối tượng lừa đảo sử dụng hack (chiếm đoạt quyền điều khiển) tài khoản mạng xã hội, tạo ra kịch bản nhắn tin lừa đảo đến bạn bè của chủ tài khoản mạng xã hội và chiếm đoạt tiền của các bị hại chuyển đến tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định.

Lợi dụng tâm lý vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng, không phải ra ngân hàng làm thủ tục, các đối tượng lập ra các trang trên mạng xã hội chạy quảng cáo để tiếp cận các bị hại. Sau khi tiếp cận được nạn nhân, các đối tượng sẽ gửi các đường link kết nối với CH Play để các bị hại cài đặt ứng dụng vào điện thoại và làm theo ứng dụng (app). Khi bị hại đăng nhập app để vay tiền thì app sẽ báo lỗi, các đối tượng yêu cầu bị hại phải chuyển tiền đặt cọc để mở lại app thì mới giải ngân được (sau khi giải ngân thì sẽ trả lại tiền cọc và tiền cho vay) hoặc yêu cầu nạn nhân mua bảo hiểm khoản vay, đóng tiền phí giải ngân... Nhiều bị hại thực hiện chuyển nhiều lần để được vay cho đến khi nghi ngờ bị lừa không chuyển nữa thì các đối tượng lừa đảo thông báo nếu không chuyển tiếp sẽ không lấy lại được số tiền đã chuyển và chiếm đoạt số tiền này của bị hại.

Lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng tạo các tài khoản mạng xã hội để đăng bán các dụng cụ, thiết bị y tế chống dịch... Khi bị hại kết nối và đặt cọc hoặc thanh toán số tiền theo thỏa thuận, các đối tượng chặn liên hệ, đổi số điện thoại... và chiếm đoạt số tiền đã nhận được.

- Ngoài ra, các đối tượng còn tạo lập các tài khoản mạng xã hội giả để đăng tin trên các trang, hội nhóm... đăng bán vé máy bay cho người dân có nhu cầu từ nước ngoài về nước. Khi bị hại hỏi mua, thỏa thuận xong giá cả thì các đối tượng yêu cầu thanh toán và đồng thời gửi cho khách hàng các hình ảnh giả về vé máy bay do các đối tượng tự tạo ra, sau đó chiếm đoạt số tiền bị hại thanh toán.

Các biện pháp phòng ngừa lừa đảo qua mạng xã hội

- Cảnh giác với số máy lạ nhất là các số máy có đầu số nước ngoài. Tuyệt đối không cung cấp số điện thoại cá nhân, thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Ngoài ra, khi nghe những câu mời chào bạn đã trúng thưởng, yêu cầu chuyển khoản, v.v. Hãy kiểm tra kỹ số điện thoại đó thuộc tổ chức nào trước khi cung cấp thông tin.

- Không tiết lộ thông tin cá nhân để tránh lừa đảo trên mạng xã hội: Tuyệt đối không mua, bán, không cung cấp giấy chứng minh thư nhân dân, tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng. Không chuyển, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai. Việc cung cấp bữa bãi thông tin cá nhân chính là miếng mồi ngon để hành vi lừa đảo qua mạng xã hội diễn ra.

- Cảnh giác với các tin nhắn yêu cầu chuyển/ nhận tiền: Không thực hiện yêu cầu chuyển tiền qua tin nhắn từ mạng xã hội như: Facebook, zalo, viber,… Kể cả là của người thân, bạn bè. Cần gọi điện xác nhận nếu người nhận không nghe máy hoặc viện lý do không tiện nói chuyện thì kiên quyết không chuyển khoản. Để tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản.

- Xác minh kỹ thông tin khi thực hiện chuyển tiền trên mạng xã hội: Chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác. Hạn chế việc công khai số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội. Các tài khoản công khai dùng để giao dịch online cần hạn chế số tiền dư quá lớn.

2. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự bị xử lý như thế nào?


2.1. Cấu thành tội phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

- Chủ thể: Người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự

- Khách thể: Là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.

- Mặt chủ quan: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Theo đó, người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản này là hành vi gian dối, trái pháp luật; đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

- Mặt khách quan:

Về hành vi: Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản:

  • Đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội (thông tin giả có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác)

  • Chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình.

  • Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Về giá trị tài sản:

  • Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 02 triệu đồng trở lên.

  • Nếu <02 triệu đồng: Thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà vẫn tiếp tục vi phạm.

2.2. Các khung hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, có 4 khung hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Khung 

Mức phạt tù

Hành vi 

Khung 1 

Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm. 

Dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 - dưới 50 triệu đồng <02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
  • Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 BLHS 2015, chưa được xóa án tích mà tiếp tục vi phạm;
  • Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
  • Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Khung 2 

Phạt tù từ 02 - 07 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Có tổ chức;
  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng;
  • Tái phạm nguy hiểm;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
  • Dùng thủ đoạn xảo quyệt. 

Khung 3 

Phạt tù từ 07 - 15 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng;
  • Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 4 

Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Chiếm đoạt tài sản trị giá ≥500 triệu đồng;
  • Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.


3. Mức phạt hành chính đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa đủ các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.

Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng và phải chịu hình phạt bổ sung cùng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

- Hình phạt bổ sung:

  • Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
  • Nếu là người nước ngoài: Trục xuất người có hành vi vi phạm.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Chia sẻ

Bài viết liên quan