Cản đường xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ, bị phạt thế nào?

08/11/2024
TIN TỨC

Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện clip một chiếc xe ô tô tại Hà Nội, biển xanh bật đèn ưu tiên đi ngược chiều và bị một người đàn ông đi xe máy chặn lại. Vậy, hành vi cản đường xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ là đúng hay sai? Khi nào xe ưu tiên được đi ngược chiều và trường hợp cản đường xe ưu tiên bị xử lý thế nào?


Xe ưu tiên được hiểu như thế nào?

Xe ưu tiên là gì?

Xe ưu tiên là các loại xe theo quy định của pháp luật được hưởng các quyền ưu tiên khi tham gia giao thông. Chỉ cần bật tín hiệu ưu tiên, loại xe này sẽ mặc nhiên được nhường đường, không cá nhân nào được phép cản trở sự hoạt động của loại xe này.

Cụ thể, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, thì người tham gia giao thông phải nhường đường, không được cản trở xe được quyền ưu tiên.

Đặc điểm của xe ưu tiên

+ Đây là loại xe được sử dụng cho những tình huống khẩn cấp, đặc biệt.

+ Xe ưu tiên được Nhà nước cho phép hoạt động, tham gia giao thông khác với các loại phương tiện bình thường khác.

+ Xe ưu tiên được sử dụng với mục đích nhân đạo, tức phục vụ hỗ trợ người dân trong các trường hợp đặc biệt khẩn cấp.

+ Xe ưu tiên thường là phương tiện của các cơ quan, tổ chức.

Các loại xe ưu tiên

Theo quy định tại Điều 22 Luật giao thông đường bộ 2008, có 5 loại xe được ưu tiên. Cụ thể:

  • Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
  • Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
  • Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
  • Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
  • Đoàn xe tang.

Cản đường xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ, bị phạt thế nào?

Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, Các xe ưu tiên (trừ đoàn xe tang) khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản đường xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ.

Hành vi không nhường đường hoặc gây cản đường xe ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) mức phạt từ 400-600 nghìn đồng đối với xe máy, và 2-3 triệu đồng đối với ô tô.

Bản chất của các loại xe ưu tiên là sử dụng trong những tình huống đặc biệt phát sinh, gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của con người. Do đó, người dân cần nghiêm túc tuân thủ và không được cản đường xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ.

Việc nhường đường cho xe ưu tiên không chỉ giúp người dân thực hiện tốt các quy định của Nhà nước đưa ra, mà nó còn thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của người dân Việt Nam trong việc hỗ trợ bảo vệ cuộc sống của các chủ thể, cá nhân khác.

Chia sẻ

Bài viết liên quan